Quy định về đăng thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, có chăng nên thay đổi!
Giới Thiệu
Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp – MP Auction trân trọng giới thiệu Tham luận về đấu giá tài sản với chủ để Bàn về việc niêm yết thông tin đấu giá của Đấu giá viên – Luật sư Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc nghiệp vụ MP Auction.
Với gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trong đó hơn 12 năm gắn bó với nghề đấu giá tài sản. Bà trực tiếp xử lý hồ sơ, tổ chức và điều hành hoạt động đấu giá tài sản hàng ngày tại MP Aucton. Từ năm 2008 đến nay bà đã tham gia điều hành rất nhiều cuộc đấu giá tại Công ty với nhiều loại tài sản đa dạng từ tài sản thi hành án, tài sản thanh lý của các ngân hàng Nhà nước, tài sản công, tài sản trong tố tụng hình sự. Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động hàng ngày, ý kiến của bà được nêu trong bài tham luận đáng để xem xét.
Tham Luận
Bán đấu giá tài sản là một hình thức bán tài sản công khai theo quy định của pháp luật được bên bán tổ chức để nhiều người có nhu cầu được biết và tham gia trả giá mua tài sản, qua đó xác định người mua được tài sản bán đấu giá. Đây là hình thức mua bán khá phổ biến và không còn xa lạ ở các nước trên thế giới, qua phiên đấu giá người ta có thể bán bất kì tài sản nào từ bất động sản đến tranh ảnh nghệ thuật, đồ cổ, hàng hoá … Thị trường đấu giá ở nước ngoài từ lâu nay hoạt động rất đa dạng và sôi nổi. Tuy nhiên ở Việt Nam thì thời gian gần đây hình thức mua bán này mới thật sự được quan tâm và ngày càng được chú trọng phát triển cả về hình thức lẫn quy mô.
Bán đấu giá tài sản ở nước ta không phải là một hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá thông thường mà nó là một hình thức mua bán đặc thù được pháp luật quy định cụ thể. Để đưa một tài sản ra bán đấu giá cần phải tuân theo một trình tự, thủ tục bắt buộc do pháp luật quy định. Đây là quá trình mua và bán bằng cách đưa ra món hàng cần đấu giá, ra giá và sau đó bán món hàng cho người ra giá cao nhất (theo hình thức đấu giá lên) hoặc xác định được người chấp nhận giá (theo phương thức đặt giá xuống). Thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua để xác định người được quyền mua tài sản bán đấu giá thì quyền lợi của người có tài sản và người mua tài sản được pháp luật bảo vệ.
Trong hình thức đấu giá này để đảm bảo thủ tục đưa một tài sản ra bán đấu giá thì các bên phải đảm đầy đủ các trình tự theo quy định như: Xác định Pháp lý của tài sản; công bố thông tin về tài sản bán đấu giá; thẩm định, tiếp nhận hồ sơ đăng ký; đấu giá và công nhận người trúng đấu giá, ký kết hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá. Tất cả các trình tự này đều được pháp luật chuyên ngành đấu giá và pháp luật có liên quan quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia vào quá trình mua bán này.
Trong các trình tự, thủ tục trên việc công bố thông tin về tài sản và cuộc đấu giá có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, vừa mang tính quyết định đến kết quả bán đấu giá nó vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc bán tài sản. Ở nước ta hiện nay, việc bán đấu giá chủ yếu là tài sản thi hành án, tài sản công, xử lí nợ, phá sản … do đó việc công bố thông tin tài sản là một trong những thủ tục đóng vai trò quan trọng trong cả quy trình này. Theo pháp luật về đấu giá tài sản quy định khi tổ chức bán đấu giá ngoài việc phải thực hiện niêm yết công khai thì thông tin đấu giá còn phải được phổ biến thông qua hai hình thức là đăng trên phương tiện thông tin đại chúng và trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì: “đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.
Tinh thần của Luật quy định rất rõ ràng tuy nhiên trên thực tiễn áp dụng cho thấy có rất nhiều bất cập trong việc các tổ chức đấu giá triển khai thực hiện và cũng khó có thể kiểm soát việc đăng thông báo đấu giá của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Qua thực tế việc đăng thông tin đấu giá theo quy định của điều luật trên nay sinh một số bất cập như:
- Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá thì đơn vị tổ chức đấu giá và người có tài sản có quyền chọn lựa bất kì loại báo in, báo hình nào của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá để đăng thông tin dẫn đến việc thông tin bán đấu giá được đăng dàn trãi ở nhiều báo khác nhau khiến người mua khó tiếp cận liên tục các tài sản được đăng tải. Với số lượng lớn các công ty đấu giá đang hoạt động và số lượng báo đài đủ tiêu chuẩn như trên, thì người mua tài sản thật sự khó mà theo dõi được hết các thông tin tài sản đấu giá để có sự chọn lựa phù hợp cho mình. Như vậy, tài sản bán được chỉ giới hạn ở nguồn khách hàng là những người có liên quan hoặc qua kênh quen biết nhiều hơn là tiếp cận được thông tin tài sản từ việc thông báo trên báo đài.
- Bên cạnh đó một số tiêu cực xảy ra khi một trong các bên cố tình đăng tải thông tin bán đấu giá trên một số trang báo không phổ biến, ít người đọc nhằm hạn chế số người tiếp cận thông tin tài sản. Xét về quy định thì việc đăng thông tin này vẫn đảm bảo đúng theo pháp luật nhưng thực tế thì nếu là khách hàng bình thường có nhu cầu muốn mua tài sản thì khó mà tiếp cận thông tin được.
- Chi phí đăng thông báo đấu giá trên phương tiện thông tin đấu giá là khác nhau, tùy thuộc vào số lượng bạn đọc và sự phổ biến của mỗi phương tiện đại chúng nhưng nhìn chung chi phí đăng thông báo là không hề thấp. Nhiều tài sản phải tổ chức bán nhiều lần mới thành công thì chi phí đăng thông báo cộng lại rất nhiều. Đây là áp lực tài chính cho các đơn vị tổ chức đấu giá, cũng hạn chế nhiều hiệu quả của việc bán đấu giá tài sản.
- Bên cạnh các vấn đề trên, Chúng ta cũng thấy rằng xu hướng phát triển của xã hội hiện nay là phát triển thông tin trong thời đại công nghệ số. Với sự phát triển ngày càng cao của mạng internet, các hình thức liên lạc xã hội cũng dần thay đổi, báo viết dần dần cũng ít phổ biến và ít được nhiều người quan tâm hơn, giờ đây chủ yếu người ta tiếp cận thông tin qua báo mạng và các kênh điện tử khác.
Chính vì thế, chúng ta cần nhìn nhận khách quan là việc đăng thông tin bán đấu giá trên các phương tiện này cũng không mang lại hiệu quả cao trong việc phổ biến tin tức đến cho người có nhu cầu. Mục đích cung cấp thông tin tài sản bán đấu giá để nhiều người có nhu cầu được biết gần như không đạt được hoặc chỉ đạt được rất ít hiệu quả.
Do đó, nếu bắt buộc tổ chức đấu giá phải thực hiện các thủ tục này thì thực tế nó chỉ là thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của luật đấu giá và gần như hiệu quả đạt được rất thấp. Ngoài việc không đạt được hiệu quả mong muốn thì nó còn kéo theo hệ quả là trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản các đơn vị đấu giá, người có tài sản phải gánh chịu một khoản chi phí không hề nhỏ cho việc đăng báo in, báo hình này. Đặc biệt đối với những tài sản đấu giá phải tổ chức nhiều lần thì chi phí này càng cao và cuối cùng khi bán được tài sản thì chi phí này chuyển sang khấu trừ vào tiền bán tài sản làm ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của chủ sở tài sản và người có tài sản.
Có những khó khăn, hạn chế như thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nếu không quy định như trên thì làm sao có thể phổ biến được thông tin cuộc đấu giá đến tất cả mọi người một cách rộng rãi, làm sao để tránh được sự gian lận, che giấu thông tin bán đấu giá tài sản để đảm bảo được tính công khai, minh bạch.
Mục đích của tham luận này không có ý bàn về việc bỏ đăng thông báo trên phương tiện đại chúng mà luật đấu giá quy định hay không mà ở đây chúng ta đang chú trọng đến việc tổ chức sao cho thông tin phải đến được với tất cả người có nhu cầu một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả nhất đồng thời cũng tiết kiệm được các khoản chi phí phát sinh. Cần nghiên cứu cách làm như thế nào để chúng ta vừa đảm bảo công bố được thông tin rộng rãi, nhanh chóng nhưng lại tiết kiệm được chi phí, thời gian cho các đơn vị tổ chức và quan trọng nhất là quy định của pháp luật không bị lạc hậu.
Giải pháp:
Việc quy định các công ty đấu giá đăng thông báo bán đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử là một bước tiến lớn của Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục. Đây là kênh thông tin chuyên ngành về tài sản đấu giá cho phép các khách hàng có thể tham khảo, lựa chọn mua tài sản đấu giá ở mọi lúc, mọi nơi trong thời đại công nghệ thông tin.
Hiện chúng ta đã có cổng thông tin về đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư Pháp quản lý, bắt buộc tất cả các cuộc đấu giá phải đăng thông tin trên cổng thông tin. Đây là một bước tiến rất phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên với lượng thông tin mà các công ty đấu giá trên cả nước đang đăng tải thì việc tìm hiểu được tất cả các thông tin về tài sản bán đấu giá vẫn còn khá nhiều khó khăn. Do đó, cần thiết phải nâng cấp và phổ biến rộng rãi hơn về trang thông tin này để mọi người biết đến nhiều hơn nữa.
Bên canh đó, là đơn vị quản lý trực tiếp hoạt động đấu giá tại địa phương nhưng các Sở Tư Pháp còn khá bị động và phụ thuộc nhiều vào báo cáo hàng năm của tổ chức đấu giá để phục vụ cho việc tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động đấu giá trên địa bàn. Từ đó công tác quản lý của các Sở Tư pháp cũng kém hiệu quả, không kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm của các đơn vị tổ chức. Để khắc phục hạn chế trên, cần nghiên cứu để xây dựng thêm trang thông tin đấu giá của từng đia phương, giao cho Sở Tư Pháp của địa phương làm chủ quản, bổ sung kịp thời hạn chế của Trang web đấu giá quốc gia trong việc thông tin đăng đấu giá quá nhiều dẫn đến khó theo dõi, vừa thuận tiện cho Sở Tư Pháp địa phương trong viêc quản lý hoạt động của các tổ chức đấu giá mà mình quản lý.
Khi đó, thủ tục đăng thông báo đấu giá trên 02 công thông tin điện tử của Bộ Tư Pháp quản lý và trang thông tin điện tư của tại Sở tư pháp của địa phương có tài sản hoặc của nơi đơn vị tổ chức đấu giá là bắt buộc đối với các đơn vị tổ chức đấu giá. Tạo thành các kênh thông tin chính thức cho hoạt đông đấu giá tài sản.
Nếu thực hiện được điều này tất yếu có mặt lợi sau:
Khách hàng có nhu cầu mua tài sản ở địa phương nào thì sẽ có kênh tiếp cận nhanh chóng với các tài sản ở nơi đó qua cổng thông tin đấu giá của địa phương đó. Đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số như hiện này, thông qua các thiệt bị như điện thoại di động, máytính cá nhân là khách hàng có thể tra cứu, theo dõi thông tin đấu giá được mọi lúc mọi nơi bất kỳ lúc nào. Không như hạn chế của phương tiên truyền thông như báo in, báo hình khó kiếm, mất thời gian và công sức để tìm đọc dẫn đến việc không phổ biến, không kịp thời trong việc phổ biến và tiếp cận nguồn tin bán tài sản. Hiệu quả của việc tổ chức đấu giá sẽ cao hơn, nhanh chóng hơn, cũng hạn chế được tình trạng tiêu cực trong đấu giá.
Ở góc độ quản lý nhà nước, cơ quan quản lý chỉ cần thông tin, phổ biến rộng rãi về việc 02 cổng thông tin điện tử của địa phương và trung ương là hai kênh chuyên đăng tải thông tin bán đấu giá thì sẽ đảm bảo được việc mọi người có thể tiếp cận được hết các tài sản bán đấu giá đã và đang tổ chức. Và cũng từ việc đăng thông tin trên web, Cơ quan quản lý sẽ dễ dàng nắm bắt được hoạt động đấu giá trên địa bàn mình.
Ngoài ra, cần thiết phải yêu cầu các tổ chức đấu giá phải có trang web riêng và tất cả các tài sản bán phải đăng lên website của công ty. Đồng thời trên thông báo bán đấu giá được đơn vị tổ chức đấu giá phát hành cũng nêu rõ thông tin của hai cổng thông tin điện tử này để mọi người có thể tiếp cận.
Đối với quy định đăng trên phương tiện thông tin đại chúng hiện tại bằng hình thức đăng báo in, báo hình thì nên khuyến khích là một kênh bổ sung nếu các bên có nhu cầu chứ không bắt buộc.
Về kinh phí đăng trên trang thông tin điện tử hiện tại là miễn phí, khi áp dụng việc đăng thông báo đấu giá trên 02 cổng thông tin điện tử của nghành tư pháp như tham luận, đề xuất quy định thu một mức phí phù hợp (có thể thu theo quý đối với từng doanh nghiêp hoặc thu phí với mỗi tài sản đăng cho 1 lần tổ chức …). Đơn vị quản trang thông tin lấy nguồn kinh phí này để xây dựng, duy trì và phát triển các kênh thông tin đấu giá của nhà nước giảm chi phí đăng thông tin đấu giá cho tổ chức đấu giá, chủ tài sản. Bởi lẻ, chi phí mỗi lần đăng tài sản phải đóng cho các cơ quan chức năng sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí đăng thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng đang là gánh nặng cho các đơn vị đấu giá như hiện nay. Qua các kênh thông tin này, người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận được đầy đủ các thông tin và tài sản của tất cả các công ty đấu giá đồng thời giúp cơ quan nhà nước thuận tiện trong việc quản lý được hoạt động bán đấu giá chứ không bị động như hiện nay.
Kết luận
Việc tạo thêm trang web thông tin đấu giá cho Sở tư pháp các địa phương trong thời điểm công nghệ hiện này rất đơn giản, nhanh chóng. Quản lý, vận hành, sử dụng các trang web này cũng không quá phức tạp và tốn kém nhiều, xét về mặt kỹ thuật đề xuất như nội dung tham luận hoàn toàn có thể làm được một cách dễ dàng. Quy định đăng thông tin đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng đã lạc hậu, không còn hiệu quả, tạo gánh nặng cho các đơn vị tổ chức đấu giá. Thay thế quy định trên bằng quy định đăng thông báo đấu giá giá trên các công thông tin đấu giá do Bộ Tư Pháp và Sở Tư Pháp địa phương quản lý vừa phù hợp xu thế phát triển của xã hội, phục vụ được yêu cầu quản lý của nhà nước vừa tạo được thuận lợi cho người dân, giảm gánh nặng cho các đơn vị tổ chức đấu giá qua đó nâng cao hiệu quả của việc đấu giá tài sản mang đến nhiều lợi ích thiết thực hơn. Cũng là cách để đưa hình thức đấu giá phổ biến hơn trong cuộc sống xã hội hiện đại, minh bạch.
Luật sư, Đấu giá viên Lê Thị Hồng Phượng
Giám đốc Nghiệp vụ MP Auction